"
Những tác động của biến động tiền tệ lên nền kinh tế thế giới
Biến động tiền tệ là kết quả tất yếu của hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi (floating exchange rate), cũng là tiêu chuẩn của đối với hầu hết các nền kinh tế lớn. Tỷ giá hối đoái của loại tiền tệ này so với loại tiền tệ khác bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố cơ bản cũng như nhân tố kĩ thuật. Chúng bao gồm mối quan hệ cung cầu của hai loại tiền tệ, những biểu hiện của nền kinh tế, viễn cảnh của lạm phát, chênh lệch lãi suất, các dòng vốn, mức độ hỗ trợ và kháng cự ( trong phân tích kĩ thuật), và những yếu tố khác. Do những yếu tố này thường ở trong trạng thái biến động không ngừng nên trị giá của loại tiền tệ cũng vì thế mà liên tục thay đổi. Tuy nhiên, mặc dù vị thế của một loại tiền tệ phần lớn thường được xác định bởi các nền kinh tế lớn, sức ảnh hưởng của những nền kinh tế này cũng thường xuyên thay đổi, bởi lẽ chỉ một vài biến động lớn trong lĩnh vực tiền tệ cũng có thể quyết định vận mệnh của cả nền kinh tế.
Những ảnh hưởng sâu rộng của tiền tệ
Trong khi tác động của sự thả nổi tỷ giá hối đoái lên nền kinh tế là rất sâu sắc, đa số chúng ta thường không quan tâm lắm đến tỉ giá hối đoái bởi vì hầu hết các giao dịch mua bán thường được thực hiện bằng đồng nội tệ. Đối với những khách hàng thông thường, tỷ giá hối đoái chỉ được quan tâm trong một vài hoạt động hoặc giao dịch như du lịch nước ngoài, thanh toán nhập khẩu hoặc khi có kiều hối.
Một sai lầm phổ biến mà hầu hết mọi người mắc phải là cho rằng nội tệ mạnh thì tốt, bởi lẽ nó làm cho chi phí du lịch nước ngoài hay giá các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, một loại tiền tệ quá mạnh có thể gây cản trở lên nền kinh tế cơ bản trong dài hạn, khi mà toàn bộ nền công nghiệp sẽ mất tính cạnh tranh và thất nghiệp tràn lan là một hệ lụy không thể tránh khỏi. Trong khi người tiêu dùng thường không thích một đồng nội tệ yếu vì lúc đó việc mua sắm xuyên quốc gia hay du lịch nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn, một loại nội tệ yếu thực sự có thể mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế quốc gia đó.
Giá trị của đồng nội tệ trong thị trường ngoại hối là một công cụ quan trọng trong bộ công cụ của Ngân hàng trung ương. Nó cũng là mối quan tâm hàng đầu khi đưa ra chính sách tiền tệ. Cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì vị thế của một loại tiền tệ cũng ảnh hưởng đến nhiều biến số kinh tế quan trọng. Nó giữ vai trò quan trọng trong việc quy định lãi suất phải trả cho các khoản thế chấp, lợi nhuận từ các danh mục đầu tư, giá cả hàng hóa trong siêu thị và cả triển vọng công việc của bạn nữa.
Tác động của tiền tệ lên nền kinh tế
Vị thế của một loại tiền tệ có ảnh hưởng trực tiếp đến những khía cạnh sau đây của nền kinh tế
- Nền kinh tế hàng hóa: vị thế của một loại tiền tệ liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế của một quốc gia, hoặc là hoạt động xuất nhập khẩu của chính quốc gia đó. Thông thường, một loại tiền tệ yếu hơn sẽ kích thích xuất khấu và hạn chế nhập khẩu vì vậy làm giảm thâm hụt ngân thương mại ( hoặc tăng thặng dư thương mại) theo thời gian.
Một ví dụ đơn giản sẽ giúp bạn hiểu khái niệm này. Giả sử bạn là một nhà xuất khẩu. Hai năm về trước, bạn đã bán hàng triệu sản phẩm cho một thương gia người Mỹ với mức giá 10000 VND một sản phẩm, khi đó tỷ giá là 12500 VND/USD. Như vậy thương gia người Mỹ sẽ mua sản phẩm với giá 0.8 USD/ sản phẩm.
Bây giờ, khách hàng của bạn muốn thỏa thuận một mức giá tốt hơn cho một đơn hàng với số lượng lớn. Tiền đồng giảm giá nên tỷ giá lúc này là 13500 VND/USD. Như vậy, bạn vẫn đủ khả năng giảm giá cho đối tác của mình trong khi vẫn bán hàng với mức giá thấp nhất là 10000VND/ sản phẩm. Ngay cả khi mức giá mới là 0.75 USD/ sản phẩm, tức là đã được chiết khấu 6.25%, giá của mặt hàng này tính theo nội tệ là 10125 VND tại tỷ giá hiện hành.
Như vậy giảm giá đồng nội tệ lý do căn bản giải thích tại sao hoạt động xuất khẩu giữ được tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngược lại, một loại tiền tệ mạnh hơn đáng kể có thể giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu và làm cho hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn từ đó làm gia tăng thâm hụt thương mại, cuối cùng làm yếu đi loại tiền tệ trong một cơ chế tự điều chỉnh. Nhưng trước khi điều này xảy ra, những khu vực công nghiệp định hướng xuất khẩu có thể bị tàn phá bởi loại tiền tệ mạnh.
- Tăng trưởng kinh tế: công thức cơ bản để tính GDP là Y= C+I+G+ (X – M), trong đó:
C: Chi tiêu hàng hóa ( thành phần quan trọng nhất của nền kinh tế)
I: Vốn đầu tư của doanh nghiệp hoặc hộ gia đình
G: Chi tiêu Chính phủ
(X-M): xuất khẩu trừ nhập khẩu, hay xuất khẩu ròng.
Từ công thức này, rõ ràng là giá trị xuất khấu ròng càng lớn, GDP càng lớn. Như đã bàn luận ở trên, xuất khẩu ròng có mối quan hệ nghịch chiều với sức mạnh của đồng nội tệ, tức là đồng nội tệ càng mạnh thì giá trị xuất khẩu ròng càng ít vì đồng nội tệ mạnh sẽ kích thích nhập khẩu và làm cho hàng xuất khẩu trở nên mắc hơn.
- Dòng vốn: Vốn nước ngoài có khuynh hướng chảy vào những quốc gia có Chính phủ mạnh, nền kinh tế năng động và một loại tiền tệ ổn định. Mỗi quốc gia cần phải có một loại tiền tệ tương đối ổn định để thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, viễn cảnh về việc kinh doanh thua lỗ do giảm giá tiền tệ có thể ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài.
Các dòng vốn có thể được phân thành hai loại chính – đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó các nhà đầu tư nước ngoài có cổ phần trong các công ty hiện hành hoặc xây dựng cơ sở mới ở nước ngoài; và đầu tư gián tiếp nước ngoài, loại hình đầu tư mà các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào chứng khoán ở nước khác. FDI là một nguồn quan trọng trong nguồn vốn đối với các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia này tốc độ tăng trưởng có thể bị hạn chế nếu nguồn vốn này không còn nữa.
Các chính phủ thích vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn là vốn đầu tư gián tiếp, bởi vì nguồn vốn đầu tư gián tiếp thường là những loại tiền tệ “đầu cơ”, dễ dàng rời khỏi quốc gia khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn hơn. Tình trạng này thường được biết đến với tên gọi “tháo chạy vốn”, có thể được gây ra bởi bất kỳ sự kiện tiêu cực nào, bao gồm việc phá giá loại tiền tệ theo mong muốn của các nhà chức trách hoặc chỉ là sự dự đoán của các nhà đầu tư.
- Lạm phát: việc phá giá tiền tệ có thể dẫn tới việc ‘’nhập khẩu’’ lạm phát cho những quốc gia nhập khẩu lớn. Sự mất giá đột ngột 20% của đồng nội tệ có thể dẫn đến các sản phẩm nhập khẩu tăng giá hơn 25% vì mức giảm 20% trong giá trị loại tiền tệ đồng nghĩa với việc phải tăng 25% trong giá cả để loại tiền tệ có thể lấy lại vị thế vốn có của nó.
- Lãi suất: Như đã nêu ở trên, tỷ giá hối đoái là mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết các ngân hàng trung ương khi thiết lập chính sách tiền tệ. Nguyên Thống đốc ngân hàng Canada, Mark Carney đã từng phát biểu trong buổi nói chuyện vào tháng 8/2012 rằng ngân hàng phải chú ý đến tỷ giá hối đoái của dollar Canada trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Carney cho rằng sức mạnh liên tục tăng lên của dollar Canada là một trong những lý do giải thích cho việc chính sách tiền tệ của nước này đã từng là “mối quan tâm đặc biệt” khá lâu.
Một đồng nội tệ mạnh gây cản trở cho nền kinh tế, cuối cùng dẫn đến chính sách thắt chặt tiền tệ (tức là tăng lãi suất). Thêm vào đó, liên tục thắt chặt t chính sách tiền tệ tại thời điểm khi mà đồng nội tệ đã quá mạnh có thể làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn vì nó thu hút nhiều dòng tiền đầu cơ từ những nhà đầu tư nước ngoài, những người đang tìm kiếm các khoản đầu tư có lãi suất cao hơn (việc làm có thể làm mạnh thêm đồng nội tệ).
Ảnh hưởng toàn cầu của tiền tệ
Thị trường ngoại hối toàn cầu hiện nay là thị trường tài chính lớn nhất với khối lượng giao dịch hàng ngày hơn 5 nghìn tỉ đô – lớn hơn gấp nhiều lần so với các thị trường khác bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và thị trường hàng hóa. Mặc dù khối lượng giao dịch lớn như vậy, tiền tệ hầu như không gây nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, có những lúc tiền tệ biến động đầy kịch tính, trong thời gian này, phản ứng với những biến động tiền tệ này có thể được cảm nhận đúng nghĩa trên toàn thế giới.
Chúng tôi liệt kê dưới đây là một vài ví dụ:
- Khủng hoảng châu Á 1997-1998 : Một ví dụ điển hình về sự tàn phá nền kinh tế bởi những chuyển động bất lợi của loại tiền tệ, khủng hoảng châu Á bắt đầu bằng sự phá giá của đồng baht Thái vào 7/1997. Sự phá giá này diễn ra ngay sau khi đồng baht bị tấn công dữ dội bởi giới đầu cơ, buộc ngân hàng trung ương Thái Lan phải từ bỏ việc neo tỷ giá vào dollar Mỹ và thả nổi đồng baht. Điều này đã gây ra một sự sụp đổ tài chính lây lan sang các nền kinh tế láng giềng như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Hồng Kông. Sự lây lan của khủng hoảng tiền tệ dẫn đến sự thu hẹp nghiêm trọng quy mô của những nền kinh tế này khi phá sản tăng vọt và thị trường chứng khoán lao dốc.
- Sự đánh giá thấp nhân dân tệ của Trung Quốc: Trung Quốc đã giữ đồng nhân dân tệ ổn định trong một thập kỷ 1994-2004, cho phép xuất khẩu của quốc gia này trở nên hùng mạnh để lấy lại đà tăng trưởng khủng khiếp từ một loại tiền tệ bị định giá thấp. Điều này đã làm tăng điệp khúc khiếu nại từ Mỹ và các quốc gia khác rằng Trung Quốc đã cố tình kìm hãm giá trị loại tiền tệ của mình để đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá với tốc độ khiêm tốn, từ hơn 8$ trong năm 2005 xuống hơn 6$ năm 2013.
- Thả nổi đồng Yên Nhật từ 2008 – giữa 2013: Yên Nhật đã là một trong những loại tiền tệ bất ổn định nhất trong vòng 5 năm qua đến giữa năm 2013. Khi tín dụng toàn cầu tăng cao từ tháng 8 năm 2008, đồng yên – vốn đã là một loại tiền tệ rất được ưa chuộng để thực hiện kinh doanh chênh lệch lãi suất vì chính sách lãi suất gần bằng không của Nhật Bản – đã bắt đầu tăng giá mạnh khi các nhà đầu tư đã mượn tiền trước đó lũ lượt hoàn trả vốn vay bằng đồng yên. Kết quả là, đồng yên được đánh giá cao hơn 25% so với đồng USD trong khoảng tháng 5 đến tháng Giêng năm 2009. Trong năm 2013, kế hoạch kích thích tiền tệ và kích thích chi tiêu công của Thủ tướng Abe – với tên gọi “Abenomics” – dẫn đến sự sụt giảm 16% giá trị yên Nhật trong năm tháng đầu năm nay.
- Nỗi sợ đồng Euro (2010 – 2012): Những lo ngại rằng các quốc gia mắc nợ cao như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý cuối cùng sẽ buộc phải rời khỏi Liên minh châu Âu, đã không trở thành hiện thực, khiến đồng euro giảm 20% trong bảy tháng, từ mức 1,51 trong tháng 12 năm 2009 lên khoảng 1,19 vào tháng Sáu năm 2010. Một khoảng thời gian trì hoãn để đồng euro lấy lại giá trị của nó trong năm tiếp theo được chứng minh chỉ là tạm thời, nỗi lo ngại về sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa đã dẫn đến sự sụt giảm 19% của loại tiền tệ này từ tháng 5 năm 2011 đến tháng Bảy năm 2012. Bạn đọc đến đây, chắc sẽ hiểu lý do vì sao Eu không muốn Anh thực hiện brexit rời khỏi liên minh EU, vì đó chính là ngòi nổ đầu tiên cho một cuộc bùng nổ sự tan rã liên minh Eu. Nên họ rất sợ điều đó sẽ xảy ra và Đồng Euro sẽ xóa khỏi bảng danh sách tiền tệ thế giới. Chẳng ai muốn viễn cảnh tồi tệ đó xảy ra cả.
"