Tâm Lý Giao Dịch là vấn đề quan trọng quyết định sự thành bại cuộc đời 1 trader, bài viết sau đây sẽ gợi ý cách làm sao để luyện Tâm Lý Giao Dịch
Bản chất sâu xa nhất của tâm lý giao dịch chính là cuộc chiến giữa bạn – và cái tôi (bản ngã) trong chính con người bạn.
Bạn sẽ xuất hiện khi ở trạng thái tâm lý thư giãn và thoải mái nhất, đó là trạng thái cảm xúc được cân bằng, mọi thứ được sáng tỏ và khá rõ ràng theo cách bạn nhìn nhận dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của cá nhân, là thành quả tự nhiên và tất yếu của hệ thống giao dịch bạn đã xây dựng theo thời gian.
Cái tôi (bản ngã) sẽ chỉ được xuất hiện khi chính bạn có sự mất cân bằng về cảm xúc. Như khi bạn đang buồn (vì mới thua 1 lệnh, vì công việc bên ngoài ko như ý, hoặc mới bị “gấu” cho leo cây,…), như khi bạn đang vui (mới thắng 1 lệnh, mới lụm được tiền,…), hoặc khi bạn đang giận dữ, hưng phấn, thậm chí khi bạn đang say xỉn… nói chung là khi xảy ra tất tần tật những thứ cảm xúc đáng kể nào đó khiến cảm xúc của bạn mất cân bằng thì chính lúc đó cái tôi (bản ngã) mới có thể xuất hiện.
Nếu về lâu dài, bạn chỉ giao dịch thuần tuý theo hệ thống của cá nhân, không ít thì nhiều chắc chắn kết quả nó sẽ dần tốt lên, bởi vì bạn sẽ luôn có tâm lý cân bằng về cảm xúc, luôn có cái nhìn khách quan về hệ thống, để từ đó nhìn nhận khắc phục được những sai sót và phát huy những ưu điểm của hệ thống giao dịch.
Tuy nhiên nếu quá trình giao dịch có cái tôi xen vào, nó sẽ như 1 hạt mầm, nó sẽ dần lớn lên, sinh sôi nảy nở, sau mỗi lần quyết định ra vào lệnh mà có cái tôi xen vào, nếu quyết định đó là đúng – thì thật là tệ hại vì dù lệnh đó có win và bạn có tiền, nhưng cái tôi sẽ càng được thoả mãn và dần chiếm được “niềm tin” từ chính bạn… dần dần khi bạn đã lệ thuộc vào nó bạn sẽ gần như chỉ giao dịch theo cảm xúc và cảm giác mà thôi.
Chúng ta đều biết rằng mọi hệ thống giao dịch đều chứa những bộ tín hiệu giao dịch và cả những phương pháp quản lý vốn riêng, những tín hiệu và khối lượng vào lệnh đó là khách quan – hoàn toàn khách quan. Nhưng nhận biết, đánh giá và phán xét những tín hiệu đó là yếu tố chủ quan. Nếu bạn đang phân tích giao dịch 1 tín hiệu đó “với cách nhìn của chính bạn” thì có thể tín hiệu nó là đi lên, nhưng nếu bạn đang thoả hiệp với “cái tôi của bạn” thì có thể bạn lại bị nó thuyết phục rằng tín hiệu nó lại là đi xuống, với hàng tá lý do “có vẻ rất hợp lý” sẽ nhanh chóng làm bạn đưa ra quyết định sell chứ không phải là buy như vốn dĩ hệ thống giao dịch của bạn đã báo, đây là điều hết sức phổ biến diễn ra ở hầu hết các trader nhưng bản chất sâu xa của quyết định chỉ trong tích tắc này nó được hình thành nên từ 1 quá trình – thói quen – thiếu kiểm soát của chính họ… mà họ nào đâu có để ý và tìm hiểu về nó.
Giờ đây, với góc nhìn về tâm lý giao dịch như vậy, chúng ta sẽ thấy khá dễ hiểu khi 1 forex trader mới vào nghề (nhất là giao dịch những lệnh đầu tiên) lại có tỷ lệ thắng cao hơn những trader đã giao dịch 1 thời gian. Dưới góc độ kỹ thuật giao dịch thì người mới đa số là hoàn toàn chưa xây dựng hệ thống giao dịch nào cả, đơn thuần là họ chỉ nhìn vào biểu đồ giá, thấy giá đang lên thì họ mua, thấy giá xuống họ bán. Vậy đa số họ đang giao dịch thuận theo xu hướng của thị trường 1 CÁCH TỰ NHIÊN VÀ KHÁCH QUAN, điều này khác hoàn toàn so với 1 trader lâu năm (chưa thành công) khi giao dịch dù cũng với 1 biểu đồ giá và công cụ tương tự thì ít nhất trong đầu họ cũng vẽ nên 1 hệ thống nhất định KÈM THEO NỮA là 1 cái tôi luôn đấu tranh – thảo luận – thuyết phục với chính họ chỉ ngay trong tích tắc lúc đưa ra quyết định vào lệnh. Và cái gì cần đến nó sẽ đến, kết quả tất yếu nó là khác nhau: 1 bên thì win và bên kia thì loss
Để phân tích sâu về tâm lý giao dịch, về cái tôi nó xuất hiện ra sao, khởi nguồn từ chỗ nào trong bộ não của con người…thì rất phức tạp và có hẳn cả 1 bộ môn với hàng trăm cuốn sách dày cộm phân tích diễn giải về nó. Cá nhân mình cũng chưa tìm hiểu sâu về điều đó, nên trong phạm vi bài viết này mình chỉ chia sẻ 1 phần nhỏ để chúng ta có cái nhìn kỹ hơn 1 chút về tâm lý giao dịch.
Giờ mình tóm gọn quá trình diễn biến tâm lý giao dịch, cụ thể hơn là diễn biến quá trình chiếm lĩnh và ngự trị của “cái tôi” trong quá trình giao dịch của bạn như sau:
– Khởi nguồn:
Nó (cái tôi – bản ngã) bắt đầu khích lệ và khen ngợi bạn khi bạn bắt đầu có những giao dịch thắng lợi đầu tiên, nó khen bạn tài giỏi, bạn là thiên tài với khả năng bẩm sinh, bạn sinh ra là để làm 1 trader, bạn hãy cố phát huy và 1 tương lai rực rỡ đang chờ đón bạn phía trước… nó cũng biết cách khéo léo an ủi bạn khi bạn thua trận, rằng thì đây chỉ là sự cố, đẳng cấp của bạn mới là mãi mãi chứ phong độ chỉ nhất thời thôi, bạn mới vào nghề mà đó chỉ là những học phí nhỏ nhặt, hãy vững tin và kiên định với con đường đã chọn… Ở giai đoạn này cái tôi sẽ như 1 người bạn mới của bạn trong lĩnh vực này, luôn có mặt chia sẻ cùng bạn những buồn vui,… và sâu thẳm trong con người bạn, bạn đã có thiện cảm và việc 2 người sớm trở thành đôi bạn tri kỷ cũng đã nằm trong suy nghĩ của bạn rồi.
– Đồng hành:
Nó đã là 1 phần trong chặng đường trở thành 1 trader của bạn, 2 người giờ như đôi bạn tri kỷ luôn như hình với bóng, mọi quyết định giao dịch của bạn đều là kết quả của cuộc thảo luận, bàn bạc từ cả 2. Mỗi khi quyết định đó là đúng và có lợi nhuận, nó tung hô bạn quá mức cần thiết. Còn khi thua trận nó cũng an ủi động viên và luôn có những lý do “nghe có vẻ rất hợp lý” để thuyết phục bạn rằng đó chỉ là sự cố nhỏ mà thôi… dần dần, bạn đã không để ý rằng mọi quyết định giờ đây đa phần là do cái tôi thuyết phục bạn làm theo, chứ không đơn thuần là từ những gì chính bạn đã học hỏi và đúc rút kinh nghiệm ra. Tuy nhiên, có 1 điểm mà bạn không nhận thấy, tâm hồn của bạn nguyên thuỷ vốn có nó như ánh bình minh ban mai, tinh khôi và sáng chói rực rỡ, mà môi trường đó lại không phù hợp với bản ngã, do vậy thường nó sẽ chỉ xuất hiện khi tâm trí bạn bị phủ tối bằng những cảm xúc như hỉ – nộ – ái – ố.
– Chiếm lĩnh: Sau 1 quá trình dài đồng hành cùng nhau, giờ đây cái tôi đã có được vị trí vững chắc. Mọi quyết định của bạn đa phần đều bị chi phối bởi nó. Giờ bạn đã lệ thuộc vào nó rồi, bạn khó có thể tự đứng trên đôi chân mình như thuở ban đầu. Nó giờ đang ngồi trên ngai vàng và bạn chỉ là 1 tướng lĩnh mà thôi, bạn có thể xuất binh đánh trận… nhưng quyết định cuối cùng lại đa số bạn không còn quyền tự quyết nữa.
Vậy, tóm gọn lại chúng ta – những trader giao dịch forex hay bất kể sản phẩm nào cũng đa phần đều sẽ phải trải qua hành trình tất yếu này của tâm lý giao dịch, sẽ cần phải làm gì để giải quyết bài toán này, sau đây là vài gợi ý của cá nhân mình để bạn tham khảo:
– Tích cực tìm hiểu và nắm rõ quy trình diễn biến tâm lý giao dịch
– Hết sức coi trọng tâm lý giao dịch, điều đó sẽ tất yếu tới khi bạn hiểu đúng và đủ về nó
– Tập dần thói quen “quan sát chính mình”, chúng ta (bạn và cả mình, vì chính mình cũng đang rèn luyện) cần tập dần thói quen tự quan sát mọi cảm xúc của bản thân mình trong mọi hoạt động thường ngày trong cuộc sống (không đơn thuần là giao dịch), khi xảy ra 1 vấn đề gì đó chúng ta cần tĩnh tâm tự quan sát chính bên trong con người mình xem tâm lý mình đang phản ứng thế nào với vấn đề đó, bên trong chúng ta đang vui hay buồn, giận dữ hay hưng phấn, hay là đang thất vọng… Khi ta quan sát đủ nhiều, ta sẽ hiểu rằng: à thì ra cái mớ cảm xúc đó chỉ là “người bạn bên trong” – là bản ngã – là cái tôi mà thôi, bản ngã đang vui buồn chứ chúng ta không buồn, nó đang giận dữ (chẳng liên quan gì đến ta cả)… Vấn đề này nếu được rèn luyện thực hành và đạt thành quả sau 1 quá trình, thì chúng ta đang bước vào 1 cảnh giới “THIỀN” đúng nghĩa – là thiền mọi lúc – và mọi nơi. Lưu ý rằng chúng ta đừng coi “nó” (cái tôi – bản ngã) là kẻ thù và đừng cố xua đuổi nó, kèm nén nó, chế ngự nó, vì khi càng làm vậy nó sẽ càng lớn và mạnh mẽ hơn… đơn giản và hiệu quả nhất là ta chỉ cần QUAN SÁT NÓ – VẬY LÀ ĐỦ. Nói vui thì nó như cô thôn nữ tuổi đôi mươi, rất e thẹn và hay ngượng ngùng… ta cứ nhìn ngắm nó là nó sẽ ngại mà bỏ chạy đi nơi khác thôi
– Sau quá trình quan sát chính mình, bạn sẽ dần nhận ra những quyết định giao dịch nên là sự lựa chọn của riêng bạn, không cần cái tôi xen vào thảo luận. Quyết định giao dịch sẽ chỉ dựa vào hệ thống đã được bạn xây dựng theo quá trình. Lưu ý rằng, tại đây yếu tố “kinh nghiệm” cũng cần được kỹ thuật hoá (biểu hiện bằng các tín hiệu và công cụ cụ thể), nó nên là 1 yếu tố hữu hình, không nên sử dụng yếu tố kinh nghiệm dưới hình thức là 1 yếu tố vô hình, vì nếu điều đó xảy ra thì bạn đang vô tình mở đường chào đón bản ngã quay về.
– Duy trì và liên tục tỉnh táo: khi bạn đạt được những điều trên, bạn đã bước sang cảnh giới “giao dịch không cảm xúc”, mình chắc chắn tới đây bạn sẽ gặt hái được thành quả nhất định rồi, nhưng hãy luôn tỉnh táo, vì cái tôi vẫn luôn ở đó, thấy bạn thành công nó vẫn sẽ liên tục dành những lời khen có cánh cho bạn, với mục đích quay trở lại đồng hành cùng bạn. Ghi nhớ là hãy luôn tỉnh táo, duy trì những điều đang làm và đã làm, nó đã đem lại kết quả tốt thì không cần thay đổi bất kỳ điều gì cả. Và đừng bao giờ nghĩ rằng bản ngã đã bỏ đi thì không bao giờ trở lại, ĐÓ LÀ 1 SAI LẦM RẤT LỚN!
No comments:
Post a Comment